Việc mua game về phát hành tại làng game Việt thậm chí còn hứa hẹn thành công hơn việc tự mình phát triển game và hoạt động.
Trong vài năm trở lại đây, ngành phát triển game Việt Nam nói chung vàgame online nói riêng tại nước ta đã phải đứng trước những khó khăn chồng chất, từ đồng vốn, ý tưởng và thậm chí là cả thị trường tiêu thụ. Chính vì lý do đó, trong thời gian qua, không ít các nhà phát triển, các studio game của người Việt sáng lập đã buộc phải thay đổi cách hoạt động, thậm chí là giải thể trước cơn bão những game Trung Quốc với số lượng quá mức đông đảo.
Có thể bạn quan tâm:
Và thế là, một thực trạng phũ phàng ngay chính tại làng game Việt đã và đang tồn tại rất hiển nhiên. Đó là việc mua game về phát hành tại thị trường trong nước thậm chí còn hứa hẹn thành công hơn việc tự mình phát triển game và hoạt động tại Việt Nam.
Mua game dễ ngang… mua rau
Đó là lời nhận xét không hề dùng chút thủ thuật thậm xưng nào. Ở thời điểm hiện tại, không hề khó để một nhà phát hành game online trong nước tìm được một sản phẩm vừa túi tiền đến từ thị trường Trung Quốc.
Lấy một ví dụ, một webgame 2D với chất lượng trung bình có mức giá về Việt Nam rơi vào khoảng 70.000 USD (khoảng 1,5 tỷ Đồng), hoặc cao nhất cũng chỉ áp sát đến mốc 2 tỷ Đồng. Con số tưởng chừng nhiều, thế nhưng với những cách tiếp cận game thủ hợp lý, các nhà phát hành hoàn toàn có thể hoàn lại vốn, thậm chí là tìm ra lợi nhuận sau vài tháng hoạt động. Trong nhiều trường hợp, mỗi webgame cũng chỉ sở hữu vòng đời trong khoảng vài tháng, trước khi bị NPH bỏ rơi và tiếp tục đầu tư vào tựa game mới với chất lượng tương tự.
Đó cũng là lý do khiến cho thị trường Việt Nam trở thành một nơi mà những sản phẩm game online với chất lượng thương vàng hạ cám đến từ Trung Quốc. Thế nhưng dưới con mắt của game thủ Việt, “vàng có vẻ hơi ít ỏi”. Điều này cũng làm cho cộng đồng game thủ Việt mất đi một phần lòng tin vào một số NPH game trong nước sau một thời gian làng game Việt chìm ngập trong những webgame 2D, sản phẩm bị gán cho cụm từ không mấy hay ho: “Game rác”.
Làm game khó trăm bề
Như đã được đề cập trong nhiều bài viết trước đây, các studio game Việt hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn, chủ yếu là vì thị hiếu của game thủ Việt, việc thiếu đồng vốn cũng như sự thờ ơ trước mảng phát triển từ những doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành game.
Nếu như một webgame tầm trung có mức giá từ 1,5 đến 2 tỷ như được đề cập ở phần đầu của bài viết, thì cái giá để phát triển hoàn chỉnh một game online lớn gấp 3 đến 5 lần con số đó, nghĩa là từ 5 đến 10 tỷ Đồng, thậm chí có thể hơn. Điều quan trọng hơn là, các nhà phát hành cũng không dám mạo hiểm đầu tư số tiền lớn như vậy cho những studio game trong nước để phát triển game cả, nhất là khi họ có thể mua game về phát hành với mức giá rẻ hơn nhiều và cũng mang tỷ lệ thành công cao hơn.
Hệ quả là, không ít studio game PC nói chung cũng như game online nói riêng tại Việt Nam dần thui chột. Ví dụ điển hình là VTC Studio. Vốn đầu tư được rót về nhiều, đông nhân sự phát triển dự án, thế nhưng không có sản phẩm nào ra lò có được thành công về mặt tài chính.
Trong khi đó, Emobi Games, một trong những cái tên đáng chú ý trong làng game Việt cũng gặp khó khăn với dự án game nhập vai hành động mang tên Sát Thát Truyền Kỳ. Vì lý do thiếu vốn phát triển, dự án kể trên đã buộc phải bị hoãn lại. Ở thời điểm hiện tại, Emobi phải thực hiện những dự án game nhỏ lẻ, đơn giản để tích lũy cả vốn đầu tư lẫn vốn kinh nghiệm khi hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Một hướng khác để các studio game trong nước sống sót chính là cách sửa đổi những sản phẩm đã có sẵn đến từ Trung Quốc theo chiều hướng hợp với thị trường và văn hóa Việt hơn. Cái tên điển hình cho xu hướng này chính là Đại Việt Truyền Kỳ, một trong những cái tên từng gây xôn xao làng game nước ta vào khoảng đầu năm 2013 vừa qua.
Khó khăn còn dài nếu như…
Việt Nam chúng ta đang là một quốc gia “nhập siêu” xét về mảng game. Điều này ở thời điểm hiện tại đã đem lại những tác động ảnh hưởng đến chính bản thân thị trường trong nước. Đầu tiên là việc nhiều nhà phát hành nước ngoài, hầu hết là Trung Quốc bắt đầu tiến công thị trường với doanh thu hàng năm lên đến 6.000 tỷ Đồng đầy màu mỡ của chúng ta.
Nếu bỏ quên mảng phát triển game, chính bản thân ngành game Việt Nam sẽ tự bỏ qua một phần thị trường cực kỳ béo bở, và từ đó để ngỏ, cho phép các NPH nước ngoài tiếp cận và chào bán game một cách thoải mái. Một thị trường lớn tại châu Á về game như Việt Nam, nếu không có sự quan tâm đúng mức của những doanh nghiệp trong ngành, sẽ mãi đi theo cảnh mua game, thay vì tự tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng của đất nước.